Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"
Hồi Khúc 15: Nhiều Điều Mới Biết
Năm 1960 tôi gần 17 tuổi, học xong lớp đệ tứ (Lớp 9 sau nầy) thi và đậu "Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp". Bằng nầy không bắt buộc để học tiếp lên lớp đệ tam (Lớp 10, bậc đệ nhị cấp), mà chỉ cần 2 kỳ thi 2 bán niên đủ điểm trung bình 10/20 là được lên lớp; Tuy nhiên muốn thi vào sư phạm cấp tốc, cán sự y tế & điều dưỡng, quốc gia thương mại, và các trường đào tạo cán sự khác, .... thì điều kiện đầu tiên phải có Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Vì thế nó cũng khá quan trọng .... Kỳ thi năm ấy tổ chức tại Kiến Hòa chứ không sang Mỹ Tho như các năm về trước và có nhiều thay đổi: Bỏ thi vấn đáp, bỏ thi luận văn trong môn thi sinh ngữ . Về sinh ngữ thì phải làm bài dịch từ tiếng Việt sang Pháp Ngữ hoặc Anh Ngữ, hệ số các môn thi cũng có sửa đổi, .... Và đề bài thi thống nhất từ Cà Mau đến Bến Hải, phụ trách chọn đề và in ấn, chuyển gởi bởi Nha Khảo Thí/Bộ Quốc Gia Giáo Dục, cũng như giờ thi cùng một lúc trên toàn quốc, ...
Những chuyện ấy coi như bình thường, duy chỉ có bài dịch từ Việt ra Pháp mới tóe lửa, tôi còn nhớ một đoạn mở đầu như sau: "Chúng ta đang ở thời đại phi cơ phản lực, hỏa tiển và nguyên tử .... chỉ cần mở nút vô tuyến truyền hình, ta sẽ biết được những tin quan trọng xảy ra cách xa ta hằng nghìn cây số, .... "
Đọc đề thi xong sĩ tử lao nhao vì nhiều từ không biết đành phải bỏ trống hay dịch "Bồi" dịch kiểu "mot à mot" ... chịu phép với từ HỎA TIỂN và từ VÔ TUYẾN TRUYỀN HÌNH .... vào năm đó chưa đâu có máy "vô tuyến truyền hình" cả .... mãi đến 5 hay 6 năm sau mới có TV trắng đen.
Tôi kể chuyện trên vì khi đến Malaysia ra đảo Pulau Bidong cũng như sau nầy đến Sungei Besi mới thấy được TV màu đặt nơi rộng rãi để "quần chúng tị nạn" xem phim hoặc xem trực tiếp các trận túc cầu, ... Tóm lại đến cuối năm 1986 tôi mới thực sự thấy TV màu
Món thứ hai là Xa Lộ: Tôi được đi trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa khoảng năm 1961, lúc đó các ống cống khổng lồ dẫn nước từ nhà máy lọc nước của sông Đồng Nai tại Thủ Đức về cung cấp cho Sài Gòn còn năm tênh hênh trên mặt đất chưa chôn xuống và cái Xa Lộ nầy vẫn còn vài ngã tư phải dừng lại chờ đèn giao thông, có nơi không có đèn phải tự canh lấy an toàn mà băng qua như ngã ba Cát Lái chẳng hạn, ... chưa có vách ngăn (con lươn) giữa hai chiều, ... Với ta thì "hiện đại" nhưng với người thì kể như "chưa có gì" .... Đến Mã Lai , tôi tận mắt nhìn thấy xa lộ của họ dài sao mà đi từ sáng đến chiều chưa hết với tốc độ cao. Sau nầy đến Mỹ thì mới thấy về mặt nầy Mã Lai chưa thấm vào đâu, chưa được 1/1000
Món thứ ba là được đi "phi cơ phản lực": Số là nhờ thời gian thi hành lịnh gọi nhập ngũ, làm bổn phận công dân mà tôi đã có dịp đi nhiều loại máy bay cánh quạt: C123, C130, C119, L19, L20, O2 chưa đi C47 và Caribou, ... về trực thăng thì đã đi đủ các loại và DC bên dân sự chứ chưa từng bước chân tới gần cầu thang của loại phản lực Hàng Không Dân Sự! .... Phi trường Tân Sơn Nhứt thì rành mọi ngõ ngách nhờ thời gian làm sĩ quan liên lạc yếu khu TSN và làm quan sát viên phi cơ cách ngày thay phiên đi bay quan sát một lân..
Thế cho nên sáng sớm hôm rời Sungei Besi bằng xe bus của Hội Hồng Nguyệt Mã Lai ra phi trường Quốc Tế Kuala Lumpur, tôi mới thấy cái "hoành tráng" của họ bỏ xa ta hàng vạn dặm ... Người Mã Lai hướng dẫn lấy vé hành khách trao tận tay từng người chúng tôi, xong chờ bàn giao lại cho tiếp viên hàng không của hãng Malaysian Airlines họ mới vẫy tay từ giã chúng tôi ... Tôi không nhớ có bao nhiêu người cùng chuyến, nhưng chúng tôi ngồi cạnh nhau trong một khu vực, dĩ nhiên hạng cá kèo!
Phi cơ cất cánh sau đó, lấy hướng Đông bay hết phần đất liền Mã Lai và ra biển . Bấy giờ mâm thức ăn bữa trưa được cung cấp cho từng hành khách, trong đó có hai món tôi nhớ hoài là rau muống xào và tôm kho có chút nước (có lẽ là đồ hộp làm nóng lại) .... Xong bữa trưa chừng 1 giờ sau phi cô hạ cao độ và đáp xuống, tôi ngỡ đã tới Philippines; Nhưng không, "quần chúng tị nạn" chúng tôi được tiếp viên ra dấu ngồi yên tại chỗ và được cho biết đây là phi trường Kota Kinabalu trên phần đất thuộc Malaysia nằm phía Bắc của đảo Borneo thuộc Indonesia ...
Chừng 2 giờ sau phi cơ lại cất cánh với số hành khách cũ mới và chúng tôi trực chỉ ra biển hướng đến Philippines ở mạn Bắc ....
Chúng tôi thực sự rời Malaysia, nước đã cho chúng tôi chốn dừng chân trên bước đường ly xứ ... và với tôi lần đầu tiên đi phi cơ phản lực bay êm nhẹ không gầm thét như các loại DC của Air VietNam có dấu hiệu Con Rồng ... trong quá khứ ....
Hai con tôi lần đầu tiên được đi máy bay. Riêng đứa nhỏ hơn lại là đứa thích máy bay, lúc còn ở nhà nó tự làm phi cơ bằng trúc, phất giấy để kéo đi chơi, hàng xóm nói "bộ mầy tính vượt biên sao mà làm máy bay sẳn vậy" ...Lời tiên đoán đúng thiệt! Ngay cả sau nầy nó cũng tình nguyện vào US Air Force hai nhiệm kỳ, đồng thời đó cũng là cách trả ơn cho quê hương mới.
NhàQuê Apr 19, 2014